Đây là nội dung được lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) chia sẻ khi trao đổi với phóng viên báo chí liên quan đến các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn tại bệnh viện.
Mặc dù đã xảy ra từ rất lâu, nhưng trong thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ việc bác sĩ bị người nhà bệnh nhân hành hung đã khiến dư luận vô cùng bức xúc. Các bác sĩ chịu không ít áp lực khi số lượng người bệnh luôn trong tình trạng quá tải, môi trường làm việc căng thẳng và có thể phát sinh những sự việc khó lường.
Bác sĩ cũng có “nút bấm” khẩn cấp
Trao đổi với phóng viên báo chí, ông Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, không chỉ là vấn đề bảo vệ các nhân viên y tế, việc bảo vệ an ninh, an toàn tài sản cho người bệnh, người nhà bệnh nhân cũng được chú trọng. Theo đó, Bệnh viện Việt Đức đã ký hợp đồng với một công ty bảo vệ chuyên nghiệp và bố trí tại tất cả cửa khoa phòng, tòa nhà nhân viên bảo vệ trực 24/24.
“Kèm theo đó, bệnh viện có hệ thống camera giám sát, cửa tự động. Trong những giờ cụ thể thì chỉ có bệnh nhân và người nhà bệnh nhân vào trong. Ở khu vực phòng khám chúng tôi có những nút báo bấm khẩn cấp. Riêng khu vực phòng khám chúng tôi có 3 vị trí bấm nút như vậy. Chúng tôi cũng chuẩn bị những phương án giả định các tình huống có thể xảy ra”.
Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức Nguyễn Mạnh Khánh (thứ 2 từ trái sang), cùng lãnh đạo bệnh viện thông tin với phóng viên về việc đảm bảo an ninh, bảo vệ an toàn các y bác sĩ.
Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Khánh, tại Bệnh viện Việt Đức chưa từng xảy ra những sự cố đáng tiếc giữa người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế. Phía bệnh viện cũng đặc biệt lưu ý vấn đề quy trình tiếp nhận bệnh nhân, thái độ giao tiếp ứng xử của nhân viên y tế: “Chúng tôi tiếp nhận rất nhiều ca nặng, ca cấp cứu có thể tử vong ngay, do đó bệnh viện đã bố trí y bác sĩ tiếp nhận người bệnh ngay từ cổng bệnh viện. Chúng tôi có bộ phận tiếp nhận, chuyển cáng, đón bệnh nhân ban đầu. Bệnh viện cũng tổ chức tour trực 24/24 và đều đảm bảo chất lượng chuyên môn, không để người nhà, người bệnh bức xúc hoặc hành hung nhân viên y tế ngay trong viện”.
Bác sĩ Phạm Hải Bằng, trưởng khoa Khám bệnh Tổng hợp, Bệnh viện Việt Đức cũng cho rằng, nhằm giảm bớt nguy cơ phát sinh sự cố giữa bệnh nhân, người nhà với nhân viên y tế, bệnh viện cũng đang áp dụng quy định chỉ cho phép 1 người nhà đi kèm người bệnh vào cấp cứu.
“Với số lượng bệnh nhân tăng lên có khi gấp đôi, có khi gấp 3, còn nhân viên chỉ cố định. Nếu không có giải pháp tăng số người ở kíp trực lên thì không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của người bệnh và đây có thể là yếu tố khiến người bệnh, người nhà bệnh nhân cảm thấy bức xúc”.
“Nút bấm” khẩn cấp tại phòng cấp cứu Bệnh viện Việt Đức.
Sự chuẩn bị cho những tình huống khó lường
Theo bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm – Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), trong quy trình hoạt động bệnh viện đã có nội dung kích hoạt ngay hệ thống báo động khi có dấu hiệu bác sĩ, nhân viên y tế bị bạo hành. Tuy nhiên, trong nhiều tình huống, bạo lực xảy ra bất ngờ, khó lường, lực lượng bảo vệ bệnh viện, công an không kịp xuất hiện để ngăn chặn.
“Nguyên nhân chủ quan là từ sự thiếu hiểu biết, sự bức xúc của người nhà bệnh nhân cũng như bệnh nhân. Có một phần do cách giải thích, xử lý vấn đề của nhân viên y tế có lẽ chưa đủ để thuyết phục họ. Bên cạnh đó cũng có những nguyên nhân khách quan. Ví dụ như lực lượng chăm sóc y tế chưa đảm bảo, dẫn đến việc người nhà bệnh nhân phải vào cùng các khu cấp cứu. Đây là khu vực không nên cho người nhà vào để các y bác sĩ, các nhân viên y tế tập trung hoàn toàn vào cứu chữa bệnh nhân. Thứ ba là nhân lực bảo vệ tại các khu vực cấp cứu cũng chưa được quan tâm sâu sát”, bác sĩ Khiêm nói.
Bác sĩ Khiêm nhận định, để giảm thiểu tình trạng người nhà bệnh nhân gây áp lực với nhân viên y tế tại các khu cấp cứu, quy trình cấp cứu cần rõ ràng, minh bạch: “Các mức độ cấp cứu cần được dán tại cửa các khu vực cấp cứu để người nhà bệnh nhân có thể biết được tình trạng nào là cấp cứu khẩn cấp, tình trạng nào là cấp cứu trì hoãn. Đồng thời cần tuyên truyền cho người dân hiểu thế nào là tình trạng không phải cấp cứu. Lên án mạnh mẽ các trường hợp quá khích, gây áp lực với nhân viên y tế cũng như hành hung, bạo hành. Cần xử lý thích đáng những trường hợp này để răn đe”.
Phòng cấp cứu nơi luôn căng thẳng theo đúng nghĩa đen tại các bệnh viện.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, không chỉ nhân viên y tế, ngay cả lực lượng bảo vệ bệnh viện cũng cần được tập huấn lại về kỹ năng giao tiếp, khả năng làm chủ cảm xúc, tâm lý, có nghiệp vụ sâu về hóa giải những “cái đầu nóng”, ngăn chặn nguy cơ bạo lực từ trước khi xảy ra. Lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp cùng với một giải pháp an ninh cụ thể sẽ giúp các cơ sở y tế duy trì môi trường khám chữa bệnh an toàn, văn minh. Đồng thời bảo vệ nhân viên, bệnh nhân, người nhà và toàn bộ tài sản của bệnh viện khỏi mọi nguy cơ an ninh tiềm ẩn. Xem dịch vụ bảo vệ bệnh viện của Công ty Bảo vệ Việt Nam tại đây: Dịch vụ bảo vệ Bệnh viện, Phòng Khám – Công ty Bảo vệ Việt Nam
Sau liên tiếp các vụ người nhà bệnh nhân hành hung nhân viên y tế ngay tại phòng cấp cứu, tại bệnh viện vừa qua, Bộ Y tế ngày 9/8/2022 đã có công văn gửi Bộ Công an đề nghị Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo các đơn vị công an địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn để điều tra xác minh làm rõ các hành vi và đối tượng gây bạo hành trong bệnh viện và xử lý nghiêm và truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu có phạm tội).
Nguồn: https://vov.vn/xa-hoi/benh-vien-co-nut-bam-khan-cap-nhu-ngan-hang-khi-xay-ra-bao-luc-post964494.vov